Hotline tư vấn Hỗ trợ nhanh

Chuyển đổi số khám sức khoẻ học sinh giúp nhận diện sớm mô hình bệnh tật học đường

Đăng lúc: 16/03/2025 12:39

Bước đầu cho thấy mô hình bệnh tật học đường có nhiều vấn đề đáng quan tâm, cụ thể là: tật khúc xạ chiếm tỷ lệ cao nhất là 58.02% (trong đó, phát hiện mới là 24.88%), kế đến là sâu răng chiếm 21.56%, thừa cân 20.62%, béo phì 17.20%, suy dinh dưỡng thể gầy còm là 3.96%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 2.42%, vẹo cột sống 2.05% và còng cột sống là 0.69%.

-  Chuyển đổi số dữ liệu khám sức khoẻ học sinh trên địa bàn TPHCM bắt đầu từ năm học 2024-2025.

- Theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, quản lý sức khỏe học sinh là một trong 5 nội dung chủ yếu của chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 và cũng là một trong những nội dung chính của công tác y tế trường học được quy định tại Điều 9 của Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học.

- Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra sức khỏe học sinh vào đầu mỗi năm học theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TT-BYT-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2016. Theo đó, việc kiểm tra sức khỏe học sinh vào đầu mỗi năm học đã giúp phát hiện sớm các bệnh, tật học đường, kịp thời chuyển trẻ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra sức khỏe vẫn còn một số hạn chế như kết quả kiểm tra sức khỏe được ghi trên phiếu giấy, gây khó khăn trong việc tổng hợp, báo cáo và quản lý. Bên cạnh đó, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhân sự thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh chưa đáp ứng đầy đủ, quy trình và điều kiện của các cơ sở kiểm tra sức khỏe học sinh chưa có sự thống nhất.

- Từ cuối năm 2023, Sở Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn hóa hoạt động khám, kiểm tra sức khỏe học sinh như thống nhất lại biểu mẫu khám, thống nhất lại quy trình khám, điều kiện của cơ sở tham gia khám sức khỏe học sinh, xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe học sinh… để sẵn sàng chuyển đổi số quản lý sức khỏe học sinh từ năm học 2024-2025. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã tổ chức 07 lớp tập huấn trực tuyến miễn phí về quy trình, cách thức khám, kiểm tra sức khoẻ học sinh theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở giáo dục. Đến thời điểm hiện nay có 5.054 nhân viên y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia công tác kiểm tra sức khoẻ học sinh và 912 nhân viên y tế trường học tham dự và được Sở Y tế cấp giấy xác nhận. Các lớp này vẫn được Sở Y tế tổ chức đều đặn miễn phí định kỳ hàng tháng.

- Vào năm học 2024-2025 (tháng 10/2024), Sở Y tế chính thức yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tham gia khám sức khỏe học sinh phải sử dụng biểu mẫu mới, phải đảm bảo tất cả các điều kiện về trang thiết bị, nhân sự, tuân thủ quy trình khám và phải nhập kết quả khám lên ứng dụng “Hệ thống quản lý sức khỏe cộng đồng” do Sở Y tế xây dựng. Tính đến thời điểm hiện nay, các trường từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông đã kiểm tra sức khoẻ 494.502 học sinh thuộc 1.021 trường, trong đó 87.277 học sinh mầm non, 181.084 học sinh tiểu học, 136.517 học sinh trung học cơ sở và 89.624 học sinh phổ thông, chương trình kiểm tra sức khoẻ đang được các trường tiếp tục triển khai trong thời gian tiếp theo.

- Kết quả sơ bộ cho thấy, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ là 58.02% (trong đó, phát hiện mới là 24.88%), sâu răng 21.56%, thừa cân 20.62%, béo phì 17.20%, suy dinh dưỡng thể gầy còm là 3.96%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 2.42%, vẹo cột sống là 2.05% và còng cột sống là 0.69%.

- Tỷ lệ các bệnh tật học đường phân bổ có khác nhau theo theo các cấp học, cụ thể là:

  • (1) Cấp Mầm non: tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ là 24.27%, (trong đó, phát hiện mới là 21.62%), sâu răng 20.51%, thừa cân là 11.36%, béo phì là 8.27%, suy dinh dưỡng thể gầy còm là 2.72%, suy dinh dưỡng thể thấp còi 3.96%, vẹo cột sống và còng cột sống đều là 0,04%;
  • (2) Cấp Tiểu học: tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ là 47.77%, (trong đó, phát hiện mới là 26.10%), sâu răng 33.43%, béo phì 25.61%, thừa cân 21.79%, suy dinh dưỡng thể gầy còm là 4.59%, suy dinh dưỡng thể thấp còi 1.42%, vẹo cột sống là 1.32% và còng cột sống là 0.34%;
  • (3) Cấp Trung học cơ sở: tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ là 71,65%, (trong đó, phát hiện mới là 28.99%), thừa cân là 25.50%, béo phì là 16.86%, sâu răng 13.87%, suy dinh dưỡng thể gầy còm là 3.76%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 1.7%, vẹo cột sống là 3.67%, còng cột sống là 1.19%;
  • (4) Cấp Trung học phổ thông: tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ là 66.81% (trong đó, phát hiện mới là 15.38%), thừa cân 16.4%, sâu răng là 10,31%, béo phì 9.37%, suy dinh dưỡng thể gầy còm là 4.19%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 4.04%, vẹo cột sống là 2.97% và còng cột sống là 1.27%;

Chuyển đổi số công tác kiểm tra sức khoẻ học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vừa giúp theo dõi liên tục tình trạng sức khoẻ của mỗi học sinh từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông, dữ liệu sức khoẻ của học sinh sẽ được tích hợp liên thông vào hồ sơ sức khoẻ điện tử. Ngoài ra, nhờ chuyển đổi số nên mô hình bệnh tật học đường nhanh chóng được nhận diện, làm cơ sở quan trọng để Ngành Y tế triển khai các can thiệp y tế học đường.

Nguồn: SỞ Y TẾ TP.HCM

Bài viết liên quan